image banner
Công chức, viên chức và người lao động ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường khai báo y tế điện tử trên các phần mềm: http://tokhaiyte.vn, NCOVI, Bluezone để phòng, chống dịch Covid-19 
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Hưởng ứng tham gia Cuộc thi công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về giá trị tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống xã hộin
Công Đoàn trường THCS Đông thới phát động toàn thể giáo viên thạm gia Cuộc thi  công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về giá trị tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống xã hộin

PHÒNG GD& ĐT CÁI NƯỚC      CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ  NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG THCS ĐÔNG THỚI                     Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

BÀI DỰ THI

TÌM HIỂU VỀ GIÁ TRỊ CỦA TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

- Họ và tên: Trần Thanh Thảo

- Tổ: Khoa Học Tự Nhiên

- Đơn vị: Trường THCS Đông Thới – Huyện Cái Nước –Tỉnh Cà  Mau.

Việt Nam là một Quốc gia có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài với đặc điểm có nhiều dân tộc ( 54 dân tộc) cùng chung sống và tồn tại, mọi người dân Việt Nam đều có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.  Chính vì vậy Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Theo số liệu thống kê Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên). Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hàng năm,Việt Nam có gần 13.000 lễ hội. Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi giáo 80.000; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác. Ở khắp mọi miền của đất nước  các sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú. Hoạt động của các thiết chế tôn giáo đã có những đóng góp nhất định trong việc tập hợp và vận động quần chúng theo đạo - một lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc - tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin Lành.

Đặc biệt lễ Phật đản của Phật giáo đã chính thức được UNESCO công nhận là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của thế giới. Các tổ chức tôn giáo không chỉ lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú những gia s trị truyền thống văn hoá, mang giá trị nhân văn, đạo đức có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xãhội, mà còn cụ thể hoá các giá trị đó thành hành động thiết thực giúp người, giúp đời, góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc văn hoá.

             Đại Lễ Phật đản tại thành phố Huế (sưu tầm)

Những lễ hội gắn với đặc điểm, phong tục, tập quán, trình độ phát triển dân trí, bản sắc văn hóa của từng dân tộc; do đó không chỉ tạo ra sự đa dạng trong văn hóa của địa phương mà còn tạo ra sự đa dạng trong lễ hội, hoạt động tín ngưỡng; làm nên giá trị tinh thần, tạo ra bản sắc và văn hóa lâu bền của từng dân tộc như:

 Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: là việc thực hiện lễ nghi thờ cúng tổ tiên, gia tộc, dòng họ, trưởng họ. Đây là một loại hình tín ngưỡng cơ bản và phổ biến không chỉ đối với dân tộc kinh mà còn có trong một số dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung

Tín ngưỡng vòng đời người. Tín ngưỡng và nghi lễ của loại hình này liên quan đến sự sinh nở, thờ cúng ông tơ bà nguyệt, thờ bản mệnh, lễ tang ma, thờ cúng người chết…

 Tín ngưỡng nghề nghiệp: là thờ cúng nông nghiệp, thờ tổ nghề, thờ thần tài…

 Tín ngưỡng thờ thần như thờ anh hùng dân tộc, thờ thổ thần, sơn thần, thủy thần…

      

                             Lễ hội Mừng lúa mới của người Ê Đê  (sưu tầm)

Ở miền Tây có rất nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam, Lễ hội Đôn Ta, lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ,…

 

                           Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam ( sưu tầm)

Cà Mau – vùng địa đầu cực Nam của tổ quốc là nơi giao thoa văn hóa của người Kinh, người Hoa, người Khmer, tạo nên nền văn hóa mang nhiều đặc trưng, màu sắc khá phong phú. Chính bởi vậy nên hình thành những lễ hội dân gian lưu giữ nét văn hóa tâm linh của vùng đất, con người nơi đây như Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội lớn nhất Cà Mau có nguồn gốc từ người Chăm được người Việt tiếp thu, phát triển. Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tín ngưỡng dân gian, mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi đánh bắt cá tôm được an hòa. Lễ hội được tổ chức trong ba ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch, tại thị chấn Sông Đốc, huyện Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ngoài ra còn nhiều lễ hội khác như  Lễ vía bà Thiên Hậu của người Hoa ngày 23 tháng 03, lễ tết Chool Chnăm Thmây ở Chùa Khmer,…

         Tàu thuyền ra khơi tại lễ hội nghinh Ông Sông Đốc (Ảnh sưu tầm)

Trong các lễ hội, con người có những quan hệ thân mật và giao tiếp với nhau, được tái sinh bằng sự tái hòa nhập với cộng đồng. Có lễ hội, những quan hệ tư tưởng cũ được đổi mới theo hướng tích cực. Thông qua các lễ hội, tình làng ngĩa xóm càng được gắn kết bền chặt.

Trong tiến trình cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tôn giáo đã có nhiều đóng góp to lớn vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến và tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chức sắc tôn giáo, tăng ni, phật tử đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống "tốt đời, đẹp đạo", "kính Chúa yêu nước" được ghi nhận và tôn vinh.

Đã từ lâu, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo và ban hành những chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và Hiến pháp, pháp luật. Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những quan điểm nhất quán này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013. . Trong các văn kiện của Đảng luôn nhất quán quan điểm: Tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.  

Thế nhưng hiện nay, các thế lực phản động đang lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta. Chúng ra sức xuyên tạc sự thật về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà Nước ta, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo… Nhằm mục đích chia rẽ sự đoàn kết lương giáo, chia rẽ các tôn giáo với nhau, tách các tôn giáo ra khỏi khối đại đoàn kết toàn dân. Chúng triệt để lợi dụng các hiện tượng "dâng sao, giải hạn", "gọi hồn", "thỉnh vong báo oán" đã và đang sảy ra tại một số điểm thờ tự như chùa Phúc Khánh, Hà Nội, chùa Ba Vàng, Quảng Ninh để thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc rồi vu khống cho rằng các cấp chính ở các địa phương quyền bao che. Từ đó, trực tiếp chĩa mũi nhọn sang công kích chính quyền.

Mặt khác, chúng thường lợi dụng sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của bộ phận nhân dân để khống chế, kích động quần chúng, tuyên truyền chống phá chế độ. Lợi dụng thần quyền và hệ thống tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động, khống chế quần chúng, phá rối trật tự an ninh, gây bạo loạn.. Lợi dụng những sơ hở thiếu sót của chính quyền địa phương trong giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo... để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền.

  Linh mục quản xứ Diên Trường lợi dụng trẻ em để kích động, chống đối việc triển khai làm đập thủy lợi Rào Nan tại xã Quảng Sơn ( sưu tầm)

Trước những phức tạp về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua, một mặt, chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền làm cho mọi người dân hiểu đúng bản chất sự việc, tránh không để bị lợi dụng kích động chống phá đất nước. Mặt khác, cần phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực phản động và thù địch lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân để chống phá chế độ. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này cần phát huy vai trò của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể quần chúng, các chức sắc tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân nêu cao cảnh giác, tăng sức đề kháng trước mọi âm mưu mua chuộc, dụ dỗ và kích động của các thế lực phản động và thù địch. Mọi người dân đều có quyền tự do tín ngưỡng nhưng phải  kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước. Qua đó, phát huy các nguồn lực tín ngưỡng, tôn giáo, tạo lan tỏa trong xã hội và sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển đất nước.

 

                                                                  Đông Thới, ngày 12 tháng 10 năm 2022

                                                                                          Tác giả

 

 

 

                                                                                Trần Thanh Thảo

 

 

 

Tác giả: Trần Thanh Thảo

2021 © Trường THCS Đông Thới
Điện thoại: 0918025866
Email: c2dongthoi.pgdcainuoc@camau.edu.vn
Địa chỉ: Ấp Bào Tròn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau

Đăng nhập hệ thống